Liên kết để các bên cùng có lợi
Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Việc liên kết sản xuất đóng vai trò quan trọng góp phần đảm bảo các bên cùng có lợi, làm tăng hiệu quả trong sản xuất.
Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi còn giúp nâng cao giá trị, đảm bảo cho các bên tham gia chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nông hộ. Ảnh: PC.
Tại Diễn đàn Khuyến nông @ do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại TP Đà Lạt mới đây, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, hợp tác xã… đã cùng thảo luận về liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, canh tác nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam đã được nông dân áp dụng từ hàng nghìn năm nay. Những năm qua, một số mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã đem lại hiệu quả cao như mô hình “Xây dựng mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc” với quy mô 570ha; mô hình “Thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại tỉnh Lào Cai” quy mô 20ha; mô hình “Ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau theo hướng hữu cơ” quy mô 125ha…
Trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, liên kết chính là chìa khóa để phát triển bền vững. Ảnh: PC.
Tại diễn đàn, GS.TS Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nông hộ, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, hiện đại hóa nông thôn.
Còn bà Vũ Thị Hải (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) khẳng định, trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia.
Cụ thể, tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi có thể thực hiện theo liên kết ngang (nông dân – nông dân, hợp tác xã – hợp tác xã, doanh nghiệp – doanh nghiệp) hoặc liên kết dọc (nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp). Qua đó giúp nâng cao giá trị và phát triển bền vững đối với cả ngành chăn nuôi và trồng trọt.
Phân bổ hài hòa lợi ích và cả rủi ro
Nhận thức được vai trò của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng một số mô hình tiêu biểu thực hiện liên kết chuỗi, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Là đơn vị tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ cách đây hơn 7 năm, Công ty TNHH Nông sản Tổ hợp tác Hiếu Linh (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đã triển khai được 2,5ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ, trồng các loại rau, củ, quả và dược liệu như bồ công anh, tía tô…
Bà Lê Thị Thu Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Tổ hợp tác Hiếu Linh cho biết, năm 2015, Tổ hợp tác Hiếu Linh được thành lập với số ít thành viên buôn bán nhỏ lẻ tại các chợ ở TP Đà Lạt. Đến năm 2016, Tổ hợp tác đã có 15 hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và luân canh các loại rau củ quả với diện tích khoảng 16ha. Sản phẩm của Tổ hợp tác được bán tại các siêu thị như VinEco, Tập đoàn Sigiay Food Hàn Quốc, các chợ đầu mối lớn ở TP.HCM và các cửa hàng trên toàn quốc.
Sau 3 năm sản xuất nông nghiệp, Tổ hợp tác chịu ảnh hưởng của thị trường với điệp khúc được mùa mất giá, được giá thì mất mùa. Sau những lần như vậy, Tổ hợp tác được các ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu nông sản của Lâm Đồng.
Với sự quyết tâm, Tổ hợp tác đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, kết hợp cùng các bạn trẻ đến từ Quảng Nam, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
“Thời gian đầu chúng tôi chuyển sang sản xuất hữu cơ đã bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh, sản phẩm không đạt năng suất, trong khi đó sự hiểu biết của người tiêu dùng còn rất hạn chế, chưa biết sản phẩm hữu cơ là gì. Quyết tâm của các hộ trong Tổ hợp tác đã đem đến các sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe con người. Cùng với nỗ lực của chúng tôi tại các trang trại ở Lạc Dương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cũng đã tạo điều kiện xây dựng chuỗi nông nghiệp hữu cơ, liên kết các hộ với nhau”, bà Hồng cho hay.
Công ty TNHH Nông sản Tổ hợp tác Hiếu Linh hiện có 2,5ha được chứng nhận hữu cơ. Ảnh: PC.
Đến cuối năm 2023, Tổ hợp tác có 8 sản phẩm OCOP gồm: Bánh củ quả, trà tía tô, trà bồ công anh, mứt dâu tây, dâu tây sấy, dâu tây cuộn, cao bồ công anh. Các sản phẩm này được bày bán tại Trung tâm OCOP Lạc Dương, OCOP Đà Lạt.
Từ đây, Tổ hợp tác không còn lo được mùa mất giá. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban ngành cũng tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, kích cầu, có sự liên kết theo chuỗi giá trị giúp các hộ trong Tổ hợp tác liên kết sản xuất các sản phẩm đáp ứng theo nhu cầu của thị trường và theo đơn đặt hàng của nhiều đơn vị.
Với xu thế hiện nay, Tổ hợp tác Hiếu Linh đang cố gắng xây dựng thêm vùng nguyên liệu về dược liệu và chế biến sâu để nâng tầm giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương và xây dựng chuỗi liên kết có gắn mã vùng trồng, mang lại giá trị thương hiệu cho địa phương.
Nguồn: Phương Chi