phone
Gọi ngay: 0856555585
messenger
zalo
Trang chủ
Giới thiệu
Liên hệ
Quay lại

Ngành phân bón: Dấu hiệu tích cực ngay từ quý I/2024, sẽ hưởng lợi khi sửa đổi Luật Thuế GTGT?

Cùng với sự tăng trưởng của nhiều ngành hàng nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt, hàng loạt doanh nghiệp phân bón đồng loạt tăng trưởng so với cùng kỳ.

Nhu cầu tăng kéo lợi nhuận doanh nghiệp đi lên

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã: DCM) vừa công bố báo cáo tài chính quý I, trong đó ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.885 tỷ đồng tăng gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán giảm hơn 6,7%, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp ghi nhận 382 tỷ đồng tăng 46%. Sau khi trừ đi chi phí và thuế, DCM ghi nhận lãi 349 tỷ đồng tăng 52% so với quý I/2023. Với kết quả này, DCM đã hoàn thành tới 43% mục tiêu lợi nhuận năm chỉ sau 1 quý.

Mảng kinh doanh chủ lực của DCM là ure có sự tăng trưởng tốt với 9,8% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 2.516 tỷ đồng, chiếm 87% tổng doanh thu quý I của DCM. Đáng chú ý, chỉ trong quý I, DCM đã hoàn thành 58% kế hoạch năm về xuất khẩu, tương ứng đạt 131.660 tấn ure, mang về 1.193 tỷ đồng.

Ngoài ure, DCM cũng đang phát triển thêm mảng NPK với lượng tiêu thụ trong quý đạt 5.510 tấn, thu 64,5 tỷ đồng.

Một “ông lớn” khác trong ngành là Đạm Phú Mỹ (mã: DPM) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 3.365 tỷ đồng và 268 tỷ đồng. Thế nhưng so với quý liền trước đó, mức lợi nhuận đã tăng hơn 2 lần và chủ yếu là lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính.

Tương tự, CTCP Supe Phốt Phát và Hóa chất Lâm Thao (mã: LAS) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý I đạt 52 tỷ đồng tăng 58% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo lý giải của ban lãnh đạo LAS, quý này thị trường phân bón trong nước và thế giới biến động khó lường làm cho công ty gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn mua nguyên vật liệu đầu vào đặc biệt là quặng Apatit làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, đơn vị này đã linh hoạt trong việc mua quặng Apatit để sản xuất Supe lân nên lượng tiêu thụ phân bón trong quý đủ cung cấp ra thị trường, nâng sản lượng tiêu thụ tăng 24% so với cùng kỳ, kéo theo doanh thu và lợi nhuận tăng.

Cùng trong nhóm tăng trưởng, Phân bón Bình Điền (mã: BFC) tăng tới 44% về doanh thu thuần, đạt 1.940 tỷ đồng. Sau thuế, doanh nghiệp báo lãi 71 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 7 tăng trưởng liên tiếp (so với quý liền trước) của “phân bón đầu trâu”, tính từ quý I/2022 với 75 tỷ đồng.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh chính. Điển hình như tại Đạm Hà Bắc (mã: DHB), mặc dù doanh thu giảm gần 15% so với cùng kỳ, xuống 1.009 tỷ đồng, thế nhưng lãi ròng vọt tăng lên 38 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm 129 tỷ đồng của quý I/2023.

Ban lãnh đạo cho biết, thị trường phân bón diễn biến tích cực trong quý I do ảnh hưởng của chiến tranh biển Đỏ khiến giá Urê trong nước tăng nhẹ khi vào vụ tiêu thụ. Trong khi đó, giá NH3 giảm và duy trì ở mức thấp, cạnh tranh khốc liệt giữa hàng trong nước và sản phẩm nhập khẩu.

Nhưng yếu tố chính khiến doanh nghiệp này duy trì kết quả lãi từ quý IV năm ngoái là việc chi phí lãi vay đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước, do đề án tái cơ cấu các khoản nợ vay đầu tư của công ty tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã chính thức được Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, trong năm nay, Đạm Hà Bắc tiếp tục được xoá nợ lãi tính trên lãi chậm trả từ ngày 1/1/2023 đến 21/12/2023 của Ngân hàng VDB với số tiền gần 243 tỷ đồng. Số lãi được xoá trong quý I là gần 142 tỷ đồng, giúp hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng có doanh nghiệp đi ngược với xu hướng tăng trưởng. Tại Phân bón miền Nam (mã: SFG), lãi ròng giảm sâu 87%, về vỏn vẹn 4 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu doanh thu thuần tăng 12% lên 344 tỷ đồng. Nguyên nhân chính cho sự giảm mạnh này là SFG không có khoản lợi nhuận từ cổ tức nên lãi ròng của SFG cũng bị kéo xuống (cùng kỳ năm trước doanh nghiệp có 56 tỷ đồng tiền cổ tức).

Ngành phân bón sẽ hưởng lợi khi sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng?

Mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn thiện lại Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), trình Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới trong tháng 5 – tháng 6.

Trong đó, Bộ Tài chính loại bỏ phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đồng thời bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế 5%. Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi hơn 10 năm qua, một khi áp dụng thuế 5% được khấu trừ đầu vào, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ hồi phục đáng kể so với giai đoạn trước đó.

Trong một trao đổi với phóng viên DNVN hồi đầu năm, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, mục tiêu lâu dài và mang tính chiến lược để tháo gỡ khó khăn cho ngành phân bón, cũng như hài hòa lợi ích với người nông dân là Nhà nước sớm sửa đổi quy định của Luật Thuế 71/2014/QH13. Đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng giữa các nhà sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp, cho người nông dân.

Thông tin từ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), số tiền các đơn vị sản xuất phân bón không được hoàn thuế xấp xỉ 900 tỷ đồng, con số này đã lên tới hơn 6.000 tỷ đồng từ năm 2015 đến nay. Đạm Cà Mau mỗi năm không được khấu trừ gần 350 tỷ đồng tiền thuế; Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP không được khấu trừ khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo LAS cũng cho biết, Luật thuế số 71 được áp dụng từ năm 2015, vì không được khấu trừ thuế đầu vào, Công ty bị thiệt hại trung bình trên dưới 100 tỷ đồng/năm. Con số này đã lên đến hơn 1.000 tỷ đồng trong gần 10 năm qua. Điều này làm cho giá thành sản phẩm tăng lên 6-7% và bắt buộc phải tính vào giá bán, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của bà con nông dân.

Như vậy, nếu được thông qua VAT 5%, LAS sẽ được khấu trừ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, bù đắp lợi nhuận đáng kể cho doanh nghiệp trong những năm tới đây.

Trong một báo cáo mới công bố, chứng khoán VCBS nhận định, trong ngắn hạn, giá phân bón urê trong quý II sẽ tăng trở lại vào cuối quý do thị trường Urê trong quý II sẽ vẫn chịu nhiều áp lực về nguồn cung. Cùng đó, triển vọng xuất khẩu Urê của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng, có thể đẩy lùi sang tháng 6. Và cuối cùng là nhu cầu ở các thị trường nhập khẩu sẽ tăng trở lại từ tháng 5 khi bước vào vụ hè thu.

Đơn vị này cũng đánh giá, việc áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh giá bán phân bón sản xuất trong nước, giúp tăng thêm tính cạnh tranh với mặt hàng phân bón nhập khẩu.

 Nguồn: IEA, Bloomberg, VCBS tổng hợp

Chứng khoán SSI Research ước tính lợi nhuận năm 2024 của các công ty phân bón tăng 40% so với cùng kỳ. Các yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu bao gồm xung đột ở Trung Đông kéo dài có thể làm gián đoạn nguồn khí đốt tự nhiên và nguồn cung urê trong khu vực đó. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu urê khác, trong đó có Việt Nam.

Chính phủ có thể xem xét thay đổi trạng thái thuế giá trị gia tăng đối với các doanh sản xuất phân bón từ “không chịu thuế giá trị gia tăng” sang “chịu 5% giá trị gia tăng”. Vấn đề này dự kiến sẽ được thảo luận trong kỳ họp Quốc hội tháng 5 và có thể được thông qua sớm nhất tại kỳ họp Quốc hội tiếp theo (tháng 10). Nếu dự thảo được thông qua, thay đổi dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2025 trong kịch bản tốt nhất.

Nguồn: Báo Doanh nhân